Suy cảm của một võ sư VOVINAM nhân mùa tưởng niệm Sáng Tổ Nguyễn Lộc

Suy cảm trong mùa Tưởng niệm Sáng Tổ

Xem hình
(Mùa Tưởng niệm Sáng tổ được đánh dấu bằng sự rục rịch ôn luyện để thi lên các cấp chuẩn hồng đai, hồng đai - thường là trước ngày mùng bốn tháng tư âm lịch khoảng tháng, tháng rưỡi.)

Năm nay là năm thứ 54 Môn phái tưởng niệm Sáng Tổ Nguyễn Lộc (1938 – 1960), và cũng bước vào năm thứ tư Môn phái vắng bóng sự lãnh đạo của thầy Chưởng môn Lê Sáng ( 1920 – 2010).
Theo lệ thường, cứ mỗi dịp vào mùa Tưởng niệm các Việt Võ Đạo sinh tự soi rọi chính mình để kiểm điểm những việc làm được và chưa làm được cho Môn phái; cũng như Môn phái kiểm điểm những việc đã làm của mình để đề ra đường hướng tổ chức, điều hành trong thời gian tới. Trong suy cảm đó, tôi có đôi điều tỏ bày cùng quý đồng môn trong mùa Tưởng niệm năm nay.


Khoảng 5 – 7 năm trở lại đây, Vovinam Việt Võ Đạo tỏa rộng phát triển khắp nơi trên đất Việt. Phải là một người nhiều mộng mơ và có chút ảo tưởng mới không bất ngờ trước sự việc này! Đến như người dân vùng Tây Bắc, Đông Bắc bây giờ cũng không còn quá xa lạ với môn phái võ phục màu xanh. Trong thời gian tới, dự báo sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là những địa phương đồng ý đưa Vovinam vào học đường. Sự phát triển ấy cho chúng ta nhiều niềm vui và tự hào nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều nỗi bận tâm mà nếu không hóa giải, khắc phục kịp thời thì niềm vui của ngày hôm nay sẽ là nỗi buồn vô hạn cho ngay ngày mai.


Thử kiểm thảo một bài toán: Chúng ta mất ít nhất là 6 năm để đào tạo ra một hoàng đai nhị - điều kiện cần để đứng lớp. Hai ba chục người tập mới có một người vươn tới cấp hoàng đai nhị. Vậy mà nhìn ra các tỉnh mới có phong trào Vovinam, ta nhận thấy số câu lạc bộ/ điểm tập mở ra rất nhiều. Để đáp ứng cho sự phát triển ấy chúng ta thực hiện một số biện pháp tình thế: phong đai cho võ sư, huấn luyện viên các môn phái bạn có ý nguyện gia nhập và phát triển Vovinam (đa phần là giải pháp này); đẩy nhanh quá trình lên đai cho các học viên (dù không mở các lớp đặc huấn đúng nghĩa). Lực lượng “tân môn sinh” này, với trách nhiệm và nhiệt huyết của bản thân, họ lại đào tạo ra hàng ngàn, hàng vạn môn sinh khác. Thực tế là vậy. Song nếu có dịp trao đổi, tìm hiểu những “tân môn sinh” đó chúng ta sẽ thấy họ khá mơ màng về kỹ thuật, đòn thế Vovinam. Thầy thường xuyên của các đồng môn này là Google, Youtube! Vì họ vào nhanh lên đai mau nên bây giờ muốn có cái để dạy họ chỉ có thể học qua các clip trên mạng. Mà đòn thế trên mạng thì dễ làm mọi người bối rối!



Chuẩn hay chưa? Không biết hỏi ai! Bên cạnh đó còn có một số anh em - vì nhu cầu cuộc sống - họ chuyển từ môn phái khác qua Vovinam nhằm đi dạy cho đông học trò, cho dễ (kiếm thu nhập). Tất cả những “tân môn sinh” này đều đáng cho chúng ta trân quý, tiếp nhận. Tuy vậy, chúng ta cần bổ khuyết cho họ và tránh tình trạng phong đai vượt cấp quá nhiều, quá nhanh. Cần có một kết hoạch, chương trình cho riêng những đồng môn này, mà thời gian qua chúng ta chưa chú tâm hoặc chú tâm chưa tương xứng. Nhất là võ đạo Vovinam. Nếu chúng ta không làm việc này, mai đây nếu Môn phái có khó khăn gì thì các “tân môn sinh” của chúng ta sẽ rời bỏ bộ võ phục màu xanh, nhẹ nhàng như lúc đi vào! Tương lai, thịnh - suy biết đâu mà tỏ.


Võ đạo, không phải là võ đạo chung chung mà là võ đạo Vovinam. Võ đạo Vovinam không chỉ là sự hiểu biết về lịch sử môn phái; tiểu sử Sáng tổ, tiểu sử Chưởng môn; cách nhìn nhận thế giới, nhân sinh của môn phái; hay là các luận thuyết của môn phái;.. mà trên hết là tình cảm và trách nhiệm của môn sinh với Môn phái, với đồng môn, cũng như với cộng đồng (trung kiên phát huy Môn phái; tôn kính người trên, thương mến đồng đạo; …). Võ đạo nói thì dễ, thực hành mới khó. Chúng ta cũng phải thấy rằng: tình cảm và trách nhiệm với Môn phái được nuôi dưỡng bằng chính tình yêu của Môn phái, tình cảm của đồng môn dành cho môn sinh, bằng tấm gương của người thầy trực tiếp huấn luyện. Có thời gian việc dạy và thi võ đạo ở một số nơi, vì nhiều lý do, chưa được quan tâm đúng mực. Tuy vậy, bằng tình yêu và hiện thân của người thầy đối với Môn phái, các học trò cũng dành cho Môn phái một tình cảm trân trọng. Nói như thế không phải tôi cổ súy giảm nhẹ việc học và thi võ đạo, mà phải thấy rằng võ đạo không chỉ là học lý thuyết suông. Võ đạo phải được thực hành qua việc làm, hành vi cụ thể; đồng thời võ đạo chỉ được bồi đấp từ chính tình yêu của Môn phái dành cho môn sinh. Vovinam Việt Võ Đạo có tự hào là tới thời điểm này vẫn tổ chức thi lý thuyết võ đạo, gần đây Hội đồng Chưởng quản còn yêu cầu thi quy cũ hơn nữa. Đó là điều hết sức đáng mừng, nhưng như thế vẫn còn thiếu thiếu một điều gì đó?

Bây giờ tạm dừng dòng suy tư về võ đạo, nhìn qua công tác tập luyện và huấn luyện võ thuật.

Nhớ lúc sinh tiền, vào những dịp Giỗ Tổ, khi ban huấn từ thầy Chưởng môn bao giờ cũng lưu ý quý võ sư, huấn luyện viên là phải: siêng năng tập luyện, không ngừng nâng cao võ thuật, trau dồi võ đạo, …Việc nhắc nhở như thế, qua bao mùa Tưởng niệm, không bao giờ thừa. Vì ai cũng phải thừa nhận một điều: đã là võ thì phải ra võ, không thể là vũ (múa) được! Nhưng chúng ta thấy một thực trạng là: khi còn sơ đẳng chúng ta tập rất nhiều, khi lên tới trung đẳng hay cao đẳng thì tần suất tập luyện giảm hẳn. Người lo đứng lớp phát triển phong trào, người bảo bận việc, người khác lại cảm thấy mang đai vàng, đai đỏ là dữ lắm rồi, thiên hạ mấy ai bì nên chểnh mảng tập luyện võ thuật. Riết rồi, theo thời gian, đai cứ cao (lượng) mà khả năng (chất) không tăng được mấy. Thế rồi nảy ra hiện tượng so bì cao thấp là nhập môn năm nào, lên đai năm nào. Rất ảo tưởng, mơ màng. Việc tự tin thái quá và không thường xuyên tập luyện dẫn tới võ sư, huấn luyện viên gặp khó khăn khi làm mẫu (thị phạm) cho học trò. Một hiện tượng đáng quan ngại không kém là dạy võ như để diễn. Định nghĩa cơ bản nhất của võ thuật là “kỹ năng, phương cách để tự vệ, chiến đấu bằng tay (chân) không hoặc bằng binh khí”. Thế mà một số người lại huấn luyện phi thực tế, không hợp lý, thiếu tính chiến đấu, cốt cho đẹp là được. Việc này vô tình làm mất ý nghĩa của võ thuật nói chung và nghệ thuật chiến đấu của Vovinam nói riêng. Không phải vô cớ mà Vovinam được chọn để dạy trong lực lượng cảnh sát, quân đội trước và sau 1975. Nếu chúng ta dạy võ đánh sao cho đẹp thì không chỉ lực lượng võ trang mà kể cả thanh thiếu niên cũng khó chấp nhận, chưa nói là sự xem thường của các bạn võ lâm đồng đạo.

Hậu quả của việc lười tập luyện và “võ diễn” là khó “đạt tới cao độ của nghệ thuật”. Bài vỡ chỉ thuộc đại khái. Đánh chưa ra Hình (đúng bài bản) thì làm sao nói tới Ý (hiểu ý nghĩa của động tác) và Thần (cái hồn thể hiện qua động tác) được. Chúng ta có dịp xem các kỳ thi cao đẳng, một số người (dĩ nhiên là trên dưới 40 tuổi) thi triển đòn thế tội nghiệp đến nhường nào. Đánh kiểu những người đó, đáng ra quý thầy không cho nộp đơn dự thi mới phải?! Chúng ta nên dũng cảm nhìn sự thật và mạnh dạn kết thúc hiện tượng này. Ngó qua một số môn phái bạn, khi họ bốn, năm, sáu đẳng dù tuổi đời 40, 50 hoặc hơn, khi đi thi họ vẫn đấm đá ra nét ra hình hài lắm.
Để có thể kết thúc việc trên, chúng ta cần có tiêu chí thi thăng cấp rõ ràng và cụ thể. Ví dụ: công trạng bao nhiêu điểm (làm mức nào hưởng mức đó), thuộc bài, đấm đá, té ngã bao nhiêu điểm, luận án bao nhiêu, đã mang đai bao lâu v.v. Nhưng theo chúng tôi: đấm đá, tấn pháp không xong thì không cho thi?! Đã thi thì ra thi, phong đai thì ra phong đai. Làm như thế chúng ta sẽ có một lực lượng huấn luyện cấp cao vững về kỹ thuật, bên cạnh yêu cầu nội dung võ đạo. Chúng ta cũng đừng sợ lạm phát đai. Nếu ai đủ và đạt điều kiện nêu ra nên cho thi. Như chúng tôi có đề cập bên trên, trong thời gian tới Vovinam sẽ phát triển rất mạnh. Tỉ lệ võ sư, huấn luyện viên trên môn sinh không sợ nhiều, chỉ sợ yếu.


Trên đây là đôi dòng suy cảm của một môn sinh yêu mến Vovinam Việt Võ Đạo, coi việc huấn luyện Vovinam là cái Nghiệp của mình. Chỉ mong Vovinam xứng danh Võ Việt, Vững về tổ chức, Mạnh về lực lượng tinh hoa, Đông môn sinh các cấp.

Nghiêm lễ!
Mùa tưởng niệm Sáng Tổ - 2014
Môn sinh Tuệ Minh Nguyễn Hữu Phước Long.
Chia sẻ trên Google+

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét